image banner
Sáng 2/4, tại đình Văn Tràng - thị trấn Trường Sơn, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị trấn Trường Sơn và nhân dân long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 78 năm trận chiến đấu chống Càn (5/3/1947-5/3/2025 Âm Lịch).
Cách đây 78 năm, Thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bên cạnh Ủy ban hành chính các cấp, Ủy ban kháng chiến được thành lập - đầu năm 1947 gồm: Ông Nguyễn Văn Xuyên làm Chủ tịch, ông Lê Xuân Trình làm Phó Chủ tịch, ông Trần Văn Chiểu làm Thư ký. Ông Ngô Văn Phấn làm Bí thư Việt Minh, ông Vũ Văn Xoi làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, ông Đỗ Văn Toản được phân công chỉ huy dân quân. Bà Võ phụ trách Phụ nữ, ông Lê Văn Mỹ phụ trách Thanh niên.

Chấp hành Chỉ thị của cấp trên về chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến đã tích cực vận động nhân dân chăm lo sản xuất, tích lũy lương thực để phục vụ chiến đấu. Lực lượng dân quân, tự vệ ráo riết luyện tập, ngày đêm tuần tra, canh gác, theo dõi các phần tử phản động một cách chặt chẽ. Trong số dân quân tự vệ của xã lúc bấy giờ đã tuyển chọn ra 25 anh em có tinh thần trách nhiệm, có sức khỏe tốt, thành lập đội Quyết tử, do ông Đỗ Văn Toản trực tiếp chỉ huy, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến sau này của địa phương. Anh chị em luôn mài sắc tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì quê hương trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để bảo vệ tính mạng cho nhân dân và thuận lợi cho lực lượng quân sự địa phương khi có chiến sự xảy ra, nhiều giao thông hào đã được đào liên kết giữa các thôn xóm trong xã. Ủy ban hành chính cũng đã tổ chức trao thẻ công dân cho những người từ 18 tuổi trở lên và phát động thu quỹ đảm phụ quốc phòng, mỗi suất là 5 đồng để góp vào quỹ kinh phí phục vụ kháng chiến.

Do sự càn quét và quấy phá của giặc Pháp rất căng thẳng, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng. nhân dân trong nội thành được tổ chức tản cư ra ngoài thành phố để bảo đảm được tính mạng và tài sản thực hiện tiêu thổ kháng chiến, tạo điều kiện cho lực lượng. quân sự của ta trong nội thành hoạt động và chiến đấu Nhân dân xã Hoàng Thiết Tâm cũng như nhiều xã khác vui vẻ dổn nhà, tạo chỗ ở, đón bà con đến và quyên góp lương thực, tiện nghi sinh hoạt, giúp đỡ bà con tản cư. Có nhiều tấm gương tiêu biểu như: Sư cụ Nguyễn Khải trụ trì chùa An Tràng đã ủng hộ đồng bào gần 5 tấn thóc, gia đình ông Lê Văn Hang, ông Trần Văn Phức, ông Trần Văn Chiểu ở Văn Tràng đã ủng hộ mỗi nhà 2 tấn gạo cho đồng bào tản cư và nuôi quân. Mọi người cảm thông lẫn nhau, xóa đi được sự ngăn cách giữa thành thị và nông thôn tạo thêm lòng tương thân, tương ái, đùm bọc giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, đoàn kết gắn bó, tăng thêm sức mạnh của toàn dân trong cuộc kháng chiến lâu dài. 

 

Thực dân Pháp coi Hải Phòng là vị trí quan trọng có tính sống còn của cuộc chiến tranh xâm lược, nên ngày 25/4/1947, chúng đã tổ chức cuộc tấn công quy mô đánh chiếm Kiến An và thị xã Đồ Sơn, nhằm bình định và mở rộng hành lang bảo vệ cho nội thành, đồng thời tiêu diệt, triệt phá các căn cứ lực lượng kháng chiến của ta.

Quân Pháp tiến đánh thị xã Kiến An bằng hai mũi. Mũi thứ nhất, tiến theo trục quốc lộ số 10, tấn công đánh chiếm cầu Hoàng Xá huyện lỵ An Lão. Mũi thứ hai, tiến công từ đò Khuể vào thị xã Kiến An, sau đó vào cầu Nguyệt - Nguyệt Áng, Phù Lưu và các điểm cao núi Cột Cờ, Phù Liễn. Mặc dù các mũi tiến công của Pháp có vũ khí hiện đại, quân lính tinh nhuệ, nhưng mỗi bước tiến của chúng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta ở trên mọi phòng tuyến huyện An Lão. Trước tình hình địch tiến đánh ác liệt và ồ ạt vào khu vực An Lão, lãnh đạo địa phương chỉ đạo lực lượng quân sự sẵn sàng chiến đấu, đôn đốc người già, trẻ em tìm nơi tạm trú để bảo vệ tính mạng. Chỉ huy đội Quyết tử và lực lượng tự vệ kết hợp chặt chẽ với Công an xung phong của tỉnh Hải - Kiến do đồng chí Trần Thành Ngọ là chỉ huy trưởng và đồng chí Lê Quốc Uy là chỉ huy phó, bố trí lực lượng sản sàng chiến đấu. Sáng ngày 25/4/1947, sau khi địch tấn công và chọc thủng phòng tuyến An Lão, cánh quân của địch từ hướng Núi Voi đổ xuống, toán quân từ An Dương vượt sông tràn sang tiến qua Trường Sơn vào khu nhà Bàn, và nghĩa địa thôn An Tràng để hợp với mũi quân ở ngã 5 Kiến An. Đến đây, địch gặp phải lực lượng chiến đấu của địa phương. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã nổ ra, bên địch lực lượng đông, quân tinh nhuệ, vũ khí hiện đại lại có phi pháo yểm tự còn ta chỉ có mấy khẩu súng trường, số còn lại chủ yếu là mã tấu, dao, kiếm, giáo mác. Nhưng với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các chiến sĩ của ta đã lăn xả vào giặc mà tấn công, ngăn chặn từng bước tiến của địch. Lợi dụng địa hình, địa thế của làng quê, trong từng bờ tre, ngõ xóm, các chiến sĩ đã mai phục và chiến đấu rất dũng cảm. Vì trận chiến diễn ra trong hoàn cảnh quá chênh lệch về lực lượng và vũ khí nên quân ta đã bị tổn thất. Trong trận này, đội Quyết tử của ta có 25 đồng chí, đã hy sinh mất 20, còn 4 đồng chí khác lại hy sinh ở các trận sau này, đến nay chỉ còn một người duy nhất là ông Vũ Văn Trọng – đang sinh sống tại TDP Văn Tràng 2. 2 Đồng chí chỉ huy là Trần Thành Ngọ và Lê Quốc Uy cũng anh dũng hy sinh. Trong trận chiến đấu này có rất nhiều gương hy sinh anh dũng như ông Hoàng Văn Tiêu, với cương vị đại đội trưởng lực lượng tự vệ chiến đấu, đã xông xáo chỉ huy trận đánh dưới làn đạn dày đặc của quân địch. Ông đã trúng đạn hy sinh. Em ruột của ông là Hoàng Văn Khảng làm liên lạc đưa tin tức, diễn biến trận đánh và lệnh chỉ huy đến từng mũi chặn giặc, cũng đã hy sinh. Đồng chí Hoàng Văn Hệ, Quyết tử quân chiến đấu rất dũng cảm: súng hết đạn, đồng chí đã dùng súng làm gậy xông vào đánh nhau với địch và bị trúng đạn, trước khi chết còn hô “Đả đảo bọn Pháp xâm lược!”

Hôm ấy là ngày 5-3 năm Đinh Hợi. Từ đó đến nay, cứ đến ngày mồng 5 tháng 3 âm lịch, nhân dân Trường Sơn lại tổ chức ngày giỗ trận để tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy bị thất bại do thiếu vũ khí, lực lượng lại mỏng, trình độ quân sự còn non yếu, nhưng với tinh thần yêu nước và căm thù giặc, các chiến sĩ ta đã để lại sự ngưỡng mộ và mến phục trong lòng nhân dân và các thế hệ trẻ Trường Sơn. Tinh thần ấy cũng làm cho thực dân Pháp khiếp đảm, kinh hoàng.

Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, cán bộ và nhân dân thị trấn Trường Sơn; cán bộ chiến sĩ các đơn vị quân đội nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước, đoàn kết, thống nhất, quyết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

btvtttruongson
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0